Thứ Năm, 11/06/2015 15:21:00 GMT+7
Vùng đất có bề dày văn hóa, lịch sử ở Kiến Thụy
Lượt xem: 31
Ở huyện Kiến Thụy, không đâu có bề dày văn hóa lịch sử cũng như nhiều di tích lịch sử như ở xã Du Lễ. Trên vùng đất rộng hơn 300 ha với hơn 5.000 nhân khẩu, có tới 2 di tích cấp quốc gia và 2 cấp thành phố. Tương truyền, nơi đây từng 2 lần đón các vị quân vương về thăm…
Vùng đất có bề dày văn hóa, lịch sử ở Kiến Thụy
Ở huyện Kiến Thụy, không đâu có bề dày văn hóa lịch sử cũng như nhiều di tích lịch sử như ở xã Du Lễ. Trên vùng đất rộng hơn 300 ha với hơn 5.000 nhân khẩu, có tới 2 di tích cấp quốc gia và 2 cấp thành phố. Tương truyền, nơi đây từng 2 lần đón các vị quân vương về thăm…
Toàn
cảnh khuôn viên chùa Trúc Am, di tích lịch sử kháng chiến cấp thành phố.
Miếu Đoài thuộc địa phận thôn 4 thờ danh tướng Trương Nữu (737- 791). Tương truyền, sinh thời ông là người nổi tiếng giỏi võ và có sức khỏe phi thường. Cám cảnh nước mất nhà tan, ngoài chiêu hiền, đãi sĩ, giúp đỡ người nghèo, ông còn mở lò võ mưu đồ việc lớn. Trước khi dựng cờ khởi nghĩa, Phùng Hưng nghe tiếng biết tài tìm về tận nhà kết giao làm chỗ thâm tình và mời ông dẫn quân cùng dựng cờ khởi nghĩa. Khi Bố Cái Đại vương Phùng Hưng qua đời, ông theo lời dặn dò mà hết lòng phò Phùng An. Sau khi giặc Đường trở lại xâm lược, ông quyết tâm không đầu hàng mà chiến đấu đến cùng và qua đời do bạo bệnh. Cảm phục trước tấm lòng trung quân ái quốc, ông được sắc phong “Thái Vương Trương Nữu Đại tướng quân” và được dân làng dựng miếu thờ.
Còn miếu Đông ở thôn 3 thờ phụng tướng quân Vũ Hải (1252- 1288), người có công lớn trong trận Chương Dương- Hàm Tử. Theo thần phả và sử sách còn ghi lại, trong trận Tây Kết chống giặc Nguyên Mông, chính tướng Vũ Hải là người chém đầu tướng giặc Toa Đô. Năm 1288, quân Mông Nguyên xâm lược nước ta lần thứ 3, ông được phong làm Bạt Hải Hữu Tướng quân và nhận lệnh vua đem hơn 5.000 quân giữ Bình Than. Ông chiến đấu anh dũng và đến hơi thở cuối cùng trong một trận đánh ở vùng cửa biển Đại Bàng. Sau, ông được vua Trần phong “Bạt Hải Đại vương” và được dân làng dựng miếu thờ, quanh năm hương khói. Miếu Đông và miếu Đoài được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1994.
Bên cạnh 2 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia kể trên, xã Du Lễ còn có 1 di tích lịch sử văn hóa và 1 di tích lịch sử kháng chiến cấp thành phố. Đền Đồng Mục được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố năm 2008. Đền thờ công chúa Quỳnh Trân, là con vua Trần Thánh Tông. Theo các bậc cao niên trong xã, đây là nơi công chúa dừng chân đầu tiên để khai khẩn ruộng đất, mở rộng ruộng vườn, tán tài cấp phát, ban phát cho nhiều người cày ruộng trang Nghi Dương trước khi đến ở chùa Mõ. Tưởng nhớ công đức của công chúa, người dân Du Lễ lập đền thờ phụng, ngày đêm hương khói. Tương truyền, trong thời gian Quỳnh Trân công chúa ở tại đây, Phật hoàng Trần Nhân Tông từng tìm về tận nơi thăm hỏi sức khỏe và hàn huyên với chị gái.
Quang cảnh đầy màu xanh của miếu Đoài thờ tướng Trương Nữu.
Miếu Đông thờ tướng quân Vũ Hải.
Công trình mô phỏng giếng nước do Quỳnh Trân công chúa
cho đào lấy nước sinh hoạt khi xưa ở đền Đồng Mục.
Chùa Trúc Am ở Du Lễ thờ 2 vị Bồ tát là Bồ Phá Lặc Bồ Tát và Nhật Nam công chúa. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa được chọn là nơi đặt trạm quân y của Trung đoàn 41, là nơi sơ cứu nhiều thương binh từ các nơi chuyển đến. Năm 2008, chùa Trúc Am được công nhận là di tích lịch sử kháng chiến cấp thành phố./.
Nguồn Báo HP